Tự Truyện Sir Alex Ferguson

Tự Truyện Sir Alex Ferguson, nơi những bí mật động trời về các cầu thủ Beckham, Ruud van Nistelrooy, .... được phơi bày.

Chương 21: Beckham – “Con làm gì thế, con trai?” (End)

Từ khoảnh khắc đầu tiên chạm chân vào quả bóng, David Beckham đã thể hiện một quyết tâm không gì ngăn cản nổi để phát huy tối đa tài năng của cậu ấy. Beckham và tôi cùng rời bỏ sân khấu chính của bóng đá trong một mùa hè, khi cậu ấy vẫn còn có thể chơi tốt ở đẳng cấp cao nhất và vẫn còn nhiều lời mời gọi ở phía trước. Cũng giống như tôi, chính Beckham là người tự đưa ra quyết định giải nghệ cho mình (mà không cần chờ ai sa thải hoặc bị rơi vào cảnh thất nghiệp).


Sang Mỹ vì Hollywood

Đôi khi bạn phải lấy đi một số thứ từ ai đó để họ thấy rằng họ cần có nó như thế nào. Khi Beckham chuyển sang Mỹ khoác áo LA Galaxy, tôi tin rằng cậu ấy đã nhận ra mình vừa đánh mất một phần quan trọng trong sự nghiệp. Vì thế cậu ấy đã tập luyện với một cường độ không thể tin nổi để lấy lại thể lực tốt nhất, và so với thời gian cuối ở M.U thì Beckham đã thể hiện nhiệt huyết thi đấu lớn hơn nhiều. Vào thời điểm rời Real Madrid năm 2007, David có vẻ như không cần suy nghĩ nhiều về điểm đến tiếp theo. Tôi cho rằng cậu ấy đã nhắm tới việc phát triển sự nghiệp ở Hollywood trong quãng thời gian hậu bóng đá, bởi chẳng có lý do nào về chuyên môn để David đến nước Mỹ chơi bóng cả. Cậu ấy đã từ bỏ bóng đá đỉnh cao cấp CLB và cả ĐTQG, cho dù sau đó Beckham đã chiến đấu để quay lại ĐT Anh.

Tuy nhiên tôi vẫn phải dành những lời khen cho Beckham. MLS là một giải đấu đòi hỏi khá cao về thể lực và cậu ấy vẫn chơi tốt ở đó. Cậu ấy cũng không gây thất vọng trong quãng thời gian khoác áo Milan, và đã đá trận tứ kết Champions League dưới màu áo PSG khi gần 38 tuổi. Đó là một thành tựu không thể xem thường. Nền tảng thể lực mà David gây dựng thời còn trẻ đã giúp cậu ấy trụ lại với cuộc chơi khi đã cao tuổi. Hồi còn ở United, David luôn là người có thể lực tốt nhất và có thể lên xuống đều đặn dọc hai biên không kém gì Ryan Giggs.

Bóng đá xếp sau giải trí

David giống như một đứa con trai của tôi, bởi tôi đã nhìn cậu ấy lớn lên cùng Giggs và Scholes. Cậu ấy gia nhập United vào tháng 7/1991, và chỉ trong một năm cậu ấy đã trở thành một phần của “Thế hệ 1992”, giành chức VĐ Cúp FA trẻ cùng với Nicky Butt, Gary Neville và Giggs. Sau đó Beckham chơi 394 trận cho đội 1 và ghi 85 bàn thắng, trong đó có cú sút từ giữa sân vào lưới Wimbledon – pha ghi bàn đã giới thiệu cậu ấy ra với thế giới. Tuy nhiên khi tôi rời CLB vào tháng 5/2013 thì, dù Giggs và Scholes vẫn ở đó, Beckham đã ra đi được 10 năm. Tôi không có khúc mắc gì với David – thậm chí là rất thích cậu ấy – nhưng bạn không nên từ bỏ những thứ mà mình thực sự xuất sắc.

David là cầu thủ duy nhất tôi từng huấn luyện đã lựa chọn sự nổi tiếng, đã đặt ra mục tiêu được biết đến bên ngoài thế giới bóng đá. Wayne Rooney cũng từng nằm trong tầm ngắm của công nghiệp giải trí, cũng từng nhận được những lời đề nghị khổng lồ với thu nhập cao gấp đôi tiền lương ở Manchester United, nhưng cậu ta không chọn con đường đó. Các doanh nghiệp trong thế giới truyền thông và quảng cáo có lẽ cũng sẽ rất hài lòng nếu có được Giggs, dù vậy đó cũng không phải tính cách của anh ta.

Sự cố “chiếc giày bay”

Trong mùa giải cuối cùng ở M.U, chúng tôi nhận thấy cường độ vận động của David đã suy giảm nghiêm trọng. Chúng tôi cũng nghe được một số tin đồn về mối liên hệ giữa cậu ấy và Real Madrid. Nhưng phải đến trận đấu ở vòng 5 Cúp FA với Arsenal vào tháng 2/2003 thì vụ đối đầu giữa chúng tôi mới diễn ra. Những chỉ dẫn của HLV tỏ ra không có giá trị gì khi David không buồn lùi về hỗ trợ phòng ngự trong tình huống dẫn đến bàn thắng thứ hai của Arsenal, được ghi bởi Sylvain Wiltord. Cậu ta chỉ đi bộ và để mặc Wiltord bứt đi. Tôi phê bình David sau trận đấu, nhưng David không đồng ý với những lời chỉ trích của tôi. Có lẽ cậu ta cho rằng mình không cần phải lùi về tham gia phòng ngự, một phẩm chất đã góp phần quan trọng làm nên tên tuổi của David, nữa.

Cậu ta ngồi cách tôi gần 4m, và giữa chúng tôi là những chiếc giày xếp thành hàng. David chửi thề. Tôi tiến đến gần cậu ta, và trên đường đi tôi đá vào một chiếc giày. Nó bay trúng vào phần trên mắt David, ngay lập tức cậu ta đứng bật dậy và định xông vào tôi nhưng những cầu thủ khác đã can thiệp. “Ngồi xuống”, tôi nói, “Cậu đã làm hại cả đội. Tranh cãi gì cũng vô nghĩa mà thôi”. Ngày hôm sau tôi gọi cậu ta lên xem lại băng ghi hình và David vẫn không chịu nhận lỗi. Cậu ta thậm chí không nói lời nào trong lúc ngồi nghe tôi. “Cậu có hiểu chúng ta đang nói gì và vì sao chúng ta phải làm thế không?”, tôi hỏi. David cũng không thèm trả lời.

Ngày hôm sau câu chuyện đã xuất hiện trên các mặt báo. Tôi nói với Ban Giám đốc rằng David phải ra đi. Ngay khi một cầu thủ Manchester United tự đặt mình lên trên HLV, anh ta phải đi khỏi đây. Tôi thường nói: “Khi HLV đánh mất quyền lực, bạn không còn có một CLB nữa. Các cầu thủ sẽ điều hành nó, và bạn sẽ gặp rắc rối lớn”. Chắc chắn David nghĩ rằng anh ta quan trọng hơn Alex Ferguson. Thực ra tên HLV là gì không thành vấn đề, Alex Ferguson hay Peter Thợ sửa ống nước cũng vậy thôi. Quan trọng là các cầu thủ không được phép kiểm soát phòng thay đồ. Có lẽ vào lúc đó David chưa đủ trưởng thành để quản lý tốt tất cả mọi thứ trong cuộc sống của mình.

Đánh đổi và kiên định

Hồi đó tôi đã cảm thấy rất không hài lòng với kiểu cách ngôi sao giải trí của David. Có một lần tôi đến sân tập vào 3 giờ chiều để chuẩn bị cho trận gặp Leicester City và thấy khoảng 20 phóng viên ảnh đang đứng gần đó. “Cái quái gì vậy?”, tôi hỏi, và được trả lời rằng Beckham sẽ ra mắt kiểu tóc mới vào ngày mai. David đến sân với một chiếc mũ trên đầu, và vẫn đội mũ ngay cả khi vào nhà hàng dùng bữa tối bất chấp yêu cầu của tôi. Tôi liên tục bảo cậu ta bỏ mũ ra, nhưng David từ chối và phải đến ngày hôm sau, khi tôi đe dọa sẽ loại cậu ta ra khỏi đội hình xuất phát thì David mới chịu nghe lời. Hóa ra là David đã cạo trọc đầu và dự kiến chỉ công bố điều này ngay trước trận đấu. Tôi bắt đầu nhận thấy David đã bị giới truyền thông và PR cám dỗ.

Dù là trên sân cỏ hay trước ống kính, Beck vẫn luôn làm tốt

Khi cậu ấy mới đến đây, David hoàn toàn điên cuồng vì bóng đá, không bao giờ rời phòng tập thể lực và không thể dừng việc tập luyện lại được. Cậu ấy yêu bóng đá và đang trên đường thực hiện giấc mơ của mình, nhưng rồi cậu ấy lại muốn từ bỏ nó để bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống của một ngôi sao giải trí. Tôi không nói rằng David đã hoàn toàn sai lầm, bằng chứng là bây giờ cậu ấy vô cùng giàu có và là một biểu tượng toàn cầu. Nhưng tôi không nghĩ bạn nên đánh đổi bóng đá lấy một điều gì cả. Bạn có thể có sở thích: tôi có vài con ngựa, Scholes và Owen cũng thế. Một vài cầu thủ khác của tôi yêu thích nghệ thuật (Kieran Richardson từng vẽ tranh để treo trong phòng tôi), nhưng bạn không nên đắm chìm vào đó và quên đi bóng đá.

Từ khoảng năm 22-23 tuổi, David không còn cố gắng như trước nữa. Cậu ta băt đầu đưa ra các quyết định có thể ngăn cản mình tiếp tục phát triển thành một cầu thủ thực sự vĩ đại. Vì thế David không bao giờ chạm được tới đẳng cấp cao nhất trong bóng đá, cho dù lẽ ra cậu ấy có thể trở thành một trong số những huyền thoại vĩ đại nhất của Manchester United. Tôi rất thất vọng vì chuyện đó. Tôi không ghét bỏ gì cậu ấy cả, chỉ là thất vọng. Có đôi lúc tôi nhìn cậu ấy và nghĩ: “Con đang làm gì thế, con trai?”. Tuy nhiên chắc hẳn David đã xác định rằng Los Angeles là nơi để thực hiện bước tiếp theo trong cuộc đời. Tôi và tất cả mọi người ở Manchester United đều phải ngạc nhiên vì sự kiên định của David. Dù là cậu ấy theo đuổi điều gì trong đời, David cũng không bao giờ bỏ cuộc.

0 comments

Post a Comment