Tự Truyện Sir Alex Ferguson

Tự Truyện Sir Alex Ferguson, nơi những bí mật động trời về các cầu thủ Beckham, Ruud van Nistelrooy, .... được phơi bày.

Chương 5: Arsene Wenger

Ở trên chiến trường, bạn sẽ phải cư xử khác với khi ở trong nhà thờ. Bên ngoài sân bóng, Arsene Wenger là một người dễ mến. Ông ấy hiểu biết rộng (chúng tôi có thể nói về các loại rượu và đủ mọi chuyện khác trên đời), thường giúp đỡ các HLV khác và là một nhân vật then chốt trong làng bóng đá. Nhưng khi trái bóng bắt đầu lăn thì ông ấy trở thành một mẫu người hoàn toàn khác biệt.



Trên sân bóng và trong cuộc đời

Thực ra đôi lúc tôi cũng bị ảnh hưởng bởi trận đấu. Hồi còn dẫn dắt St.Mirren và để thua Raith Rovers, tôi từng từ chối bắt tay HLV Bertie Paton của đối thủ cho dù chúng tôi là bạn tốt ngoài đời và đã biết nhau từ khi còn ở Dunfermline. Bertie phản ứng lại ngay sau đó, và tôi nhận ra rằng mình đã sai: cuộc sống không chỉ có bóng đá.

Bây giờ thì tôi và Wenger có mối quan hệ rất thân thiện và tôn trọng lẫn nhau, nhưng chúng tôi cũng từng có không ít mâu thuẫn. Đầu tiên là việc ông ấy tỏ ra không hài lòng khi thấy tôi phàn nàn về lịch thi đấu. Tôi đáp trả ngay lập tức: “Ông ta vừa mới tới từ Nhật Bản thì biết cái quái gì (rằng lịch thi đấu rất dày đặc)?”, và tôi đã đúng. Suốt hai năm sau đó, Arsene luôn kêu ca về mật độ thi đấu dày đặc ở Premier League. Nếu một HLV nước ngoài đến đây và nghĩ rằng mình có thể chơi 55 trận/mùa mà không cần xoay vòng đội hình thì ông ta đang tự lừa dối bản thân mình. Dần dần thì Arsene mới học được cách thích nghi và vượt qua được cú sốc của việc ra sân vào thứ Bảy, thứ Tư rồi lại thứ Bảy.



Năm 2010, ông ta bất ngờ chỉ trích Paul Scholes và nói với cánh nhà báo rằng cậu ấy có “một mặt xấu xa”. Chẳng có lý do gì để Wenger nói thế cả, bởi tuần đó chúng tôi không đá với Arsenal và cũng không có mâu thuẫn gì đáng kể. Scholes đã giành 10 chức VĐ Premier League và 1 Champions League, thế rồi Wenger nói về “mặt xấu xa” của cậu ta. Không thể tin nổi.

Ảo tưởng của Wenger

Lần đầu tiên Arsenal đến làm khách ở Old Trafford, ông ấy đã đến văn phòng của tôi và ấn tượng ban đầu là tương đối tốt. Rắc rối chỉ bắt đầu khi ông ấy – dù sở hữu một đội hình tương đối mạnh - thua trận. Ông ấy cảm thấy rất khó khăn để chấp nhận rằng sai lầm thuộc về mình và luôn tìm cách đổ lỗi cho đối thủ vì đã chơi quá rắn. Wenger không chịu nhận ra rằng các đội bóng khác cũng sẽ áp dụng thứ bóng đá quyết liệt không kém với Arsenal, và luôn luôn mặc định rằng không ai được phép tung ra các cú tắc bóng với cầu thủ của ông ấy.

Các cầu thủ có thể khiến bạn bất ngờ. Họ có thể chơi hay ngoài mong đợi, nhưng cũng có thể chơi tệ hơn so với dự kiến. Trong những trận cầu căng thẳng, một cầu thủ nào đó có thể đánh mất sự bình tĩnh, nhưng Arsene không thể hiểu được điều đó. Ông ấy không hiểu rằng sự yếu đuối ở bên trong tâm hồn bạn có thể khiến bạn thất bại.

Tôi không nói rằng HLV nhìn thấy tất cả mọi thứ diễn ra trên sân bóng, nhưng chúng tôi nhìn thấy hầu hết và tôi không thường sử dụng câu nói cửa miệng của Arsene rằng “Tôi không nhìn thấy nó” (khi nói về một tình huống gây tranh cãi). Tôi hay nói rằng “Để tôi xem lại đã”. Đó chỉ là một mệnh đề hết sức cơ bản, nhưng nó sẽ giúp kéo dài thời gian. Chỉ sau vài ngày, một điều gì đó sẽ diễn ra và người ta sẽ không còn chú ý đến bạn nữa.

Cuộc chiến pizza

Mặc dù Arsene không bao giờ đến uống chút gì cùng tôi sau các trận đấu, trợ lý Pat Rice vẫn thường vượt qua ranh giới để dùng vài ly. Cho đến khi diễn ra “cuộc chiến pizza” ở Old Trafford. Tôi nhớ rằng Ruud Van Nistelrooy đã vào phòng tôi và phàn nàn rằng Wenger nói một số lời khó nghe với cậu ta. Ngay lập tức tôi lao tới bảo Arsene: “Hãy để các cầu thủ của tôi yên. Đi mà quan tâm đến cầu thủ của ông ấy”.

Wenger đang mất kiểm soát vì vừa thua trận. Ông ta cực kỳ tức giận và siết chặt hai nắm tay. Tôi đang nắm giữ quyền chủ động, tôi biết điều đó. Tôi nhớ Arsene từng nói rằng ông ta đã có cơ hội ký HĐ với Ruud, nhưng cuối cùng lại quyết định rằng cậu ta không đủ trình độ để chơi cho Arsenal. Tôi đồng ý với ông ta rằng Van Nistelrooy có thể không phải là một cầu thủ xuất sắc, nhưng anh ấy là một cây làm bàn vĩ đại.

Điều tiếp theo mà tôi biết là pizza đã phủ khắp người mình.Chúng tôi vẫn đặt thức ăn trong phòng thay đồ của đội khách sau tất cả các trận đấu (hầu hết các CLB đều làm thế). Pizza, gà… và thức ăn của Arsenal là tuyệt vời nhất.Người ta nói Cesc Fabregas đã ném pizza vào tôi, nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn không biết thủ phạm là ai.Hành lang bên ngoài phòng thay đồ trở thành một đống hỗn loạn. Arsenal đã hy vọng nâng chuỗi bất bại lên 50 trận liên tiếp, nhưng có vẻ như trận thua ấy đã khiến Wenger quẫn trí.

Sự cố ngày hôm đó đã tạo ra một sự chia rẽ giữa chúng tôi, và Pat Rice cũng không đến uống chút gì sau các trận đấu nữa. Phải đến sau trận bán kết Champions League năm 2009 thì mọi chuyện mới được hàn gắn, khi Arsene mời chúng tôi vào phòng để nói lời chúc mừng.

Tôi có một công thức riêng để đối phó với thất bại. Sau khi “sấy” các cầu thủ, trên đường ra dự buổi họp báo tôi sẽ nói với mình rằng “Quên chúng đi. Cuộc chơi kết thúc rồi”. Tôi luôn luôn làm thế. Dù là ai đến phòng của tôi sau trận đấu, tôi cũng đón tiếp họ một cách vui vẻ. Không giận dữ, không lạnh lùng. Không đổ lỗi cho trọng tài. Mỗi khi có ai đó chọc vào mắt chúng tôi (đánh bại M.U – ND), chúng tôi đều chấp nhận thử thách đó và trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi sẽ tiến xa hơn. Tôi không chắc rằng nếu không có những động lực ấy thì tôi có thể yêu thích công việc này đến thế hay không.

Bắt bài Arsenal

Trong những năm về sau tôi đã đọc được suy nghĩ của Arsene. Chúng tôi không cần phải giành bóng trong chân họ, chỉ cần ngăn chặn các đường chuyền là đủ. Khi Fabregas nhận bóng trong tư thế quay lưng với khung thành, cậu ta sẽ tìm người để bật tường và chạy vòng ra sau lưng hậu vệ. Nên tôi bảo các cầu thủ: “Theo sát người nào đang di chuyển, và cắt đường chuyền”. Barcelona được tổ chức tốt hơn rất nhiều so với Arsenal, bởi khi đánh mất bóng thì tất cả các cầu thủ sẽ lao vào đoạt lại nó, điều mà Arsenal không có đủ nhiệt tình để thực hiện.

Hình ảnh yếu đuối của Arsenal trong những năm cuối của tôi ở M.U được phản ánh rất rõ trong các cầu thủ mà Wenger mang về. Samir Nasri xuất hiện trên thị trường chuyển nhượng, thế là Arsene mua anh ta. Rosicky xuất hiện, Arshavin xuất hiện… thế là Arsene mua họ, vì họ là mẫu cầu thủ mà ông ấy thích. Khi bạn có quá nhiều cầu thủ (có phần ẻo lả) như thế thì có điều gì đó không ổn, bởi ngay cả chúng tôi cũng cần phải có những người cơ bắp, mạnh mẽ trong đội hình.

Về sau, Aaron Ramsey nói rằng cậu ta chọn Arsenal vì họ đào tạo ra nhiều tài năng trẻ hơn chúng tôi. Tôi nghĩ “Thằng đó đang sống ở hành tinh nào thế?”. Có lẽ cậu nhóc đó đã bị “tẩy não” để nói những điều như vậy, bởi chúng tôi đã sản sinh ra Giggs, Neville, Scholes, Fletcher, O’Shea, Wes Brown, Welbeck… còn cầu thủ duy nhất thực sự trưởng thành từ lò đào tạo của Arsenal là Jack Wilshere. Lại là một cuộc ganh đua. Tôi đã luôn tranh đấu với Wenger trong suốt 17 năm, và bây giờ vẫn vậy.

0 comments

Post a Comment